Công Đoàn

Giáo viên không nên bài trừ ChatGPT

Trước đây, để soạn một bài phát biểu, thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú phải mất 1 buổi tối để cân nhắc câu, chữ. Với ChatGPT, chỉ trong vòng vài giây các nội dung cần thiết đã được AI hoạch định sẵn, chính xác và phù hợp với từng câu, chữ.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú chỉ mất vài giây nhờ Chat GPT viết bài phát biểu
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú chỉ mất vài giây nhờ ChatGPT viết bài phát biểu

“Hôm nay, chúng ta cùng chào mừng những khách mới đặc biệt – những nhà nghiên cứu, nhà phát triển và những người quan tâm đến công nghệ AI. Cùng với thầy cô, các em học sinh, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sức mạnh và tiềm năng của ChatGPT, cách chúng ta có thể sử dụng nó để giải quyết vấn đề và tạo ra cơ hội mới trong cuộc sống, công việc…” – thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) mở đầu phần chia sẻ đến học sinh cùng 105 giáo sinh thực tập tại trường về chủ đề ChatGPT.

Tuy nhiên, điều đáng nói là nội dung này lại được viết bởi ChatGPT. “Đây chỉ là một ví dụ về ứng dụng của ChatGPT, cũng giống như các sản phẩm trí tuệ nhân tạo khác (AI). Thay vì mất cả buổi tối để soạn, cân nhắc từng câu chữ thì chỉ cần đặt một câu hỏi AI đã cho ra sẵn những câu cú hoàn chỉnh. Điều này vừa giúp chúng ta tiện ích, hỗ trợ cho chúng ta trong công việc, học tập song một lần nữa phát đi “cảnh báo đỏ” về vai trò của người thầy, cách sử dụng của học sinh để không làm sụt giảm đi giá trị của giáo dục” – thạc sĩ Phú đặt vấn đề.

Ông cho biết, khi ChatGPT nóng lên thời gian qua, điều xã hội quan tâm là vai trò của giáo viên có bị ảnh hưởng, giáo viên phải dạy như thế nào, kiểm tra đánh giá ra sao khi mọi vấn đề đều có thể được AI giải đáp, phân tích với nhiều tầng, nghĩa. Nhiều giáo viên băn khoăn rằng với AI, giao bài tập về nhà có còn giá trị khi bài tập khó hay dễ thì ChatGPT đều có thể giải đáp được.

“Những lo lắng này hoàn toàn đúng. Như vậy, càng đặt ra vai trò và cách thức tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá của người thầy. Cần phải đổi mới cách kiểm tra, định hướng để giúp học sinh biến kiến thức của AI thành kiến thức của chính các em, biến cái A của AI thành cái A’ của các em” – ông nhận định.

Vai trò của giáo viên vẫn là dẫn dắt, định hướng học sinh khi Chat GPT lên ngôi
Vai trò của giáo viên vẫn là dẫn dắt, định hướng học sinh khi ChatGPT lên ngô

Phải trải nghiệm, định hướng để không bị “đảo vai”

Theo thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, trước sự phát triển nhanh chóng của AI, điều cần thiết hiện nay với giáo viên là cần mạnh dạn trải nghiệm, không nên đùa cợt cũng không bài trừ. Để định hướng học sinh sử dụng hiệu quả, để không bị “đảo vai” thì chính mỗi giáo viên phải biết cách sử dụng hiệu quả.

“Khi tôi nhờ ChatGPT các giải pháp giáo dục học sinh cá biệt, AI gửi cho tôi 5 gợi ý: sử dụng phương pháp giáo dục đa dạng, gắn sở thích, năng lực học sinh để tạo ra môi trường học tập thú vị, độc đáo; tạo sự quan tâm và hỗ trợ các em… Như vậy, giáo viên có thể sử dụng AI để tham khảo, hỗ trợ thêm cho cách thức giáo dục của mình”.

Ông khẳng định, ChatGPT chỉ là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Nó sẽ là một công cụ giúp việc giảng dạy của người thầy thêm hiệu quả và phong phú hơn, giúp việc học của học sinh đa dạng hơn… nhưng không thể thay thế hay làm mất đi vai trò của người thầy mà ngược lại, càng đề cao hơn nữa vai trò của người thầy giúp trang bị cho học sinh kỹ năng, hiểu biết để sử dụng AI một cách đúng đắn, hiệu quả. Bởi, chỉ có người thầy mới dạy được cho học sinh mình hình thành nhân cách, giá trị đạo đức, biểu đạt cảm xúc… mà không có máy móc nào thay thế được.

Thạc sĩ Lê Thanh Tùng – Giám đốc Chương trình ngành công nghệ thông tin, Đại học Hoa Sen – cũng cảnh báo, với ChatGPT nếu giáo viên không cẩn thận có thể sẽ bị “đảo vai”, khi học sinh có xu hướng tìm kiếm, nhờ AI hỗ trợ với những hiểu biết, phân tích sâu rộng hơn người thầy.

“Điều cần thiết hiện nay là giáo viên, nhà trường phải trang bị cho học sinh kỹ năng để sử dụng ChatGPT hiệu quả chứ không phải là lạm dụng, lệ thuộc mà chỉ là một công cụ để bổ trợ, khai thác AI để làm hiệu quả hơn cho việc học…”.